Lâu lắm rồi mình mới có một quyển sách đọc ngấu nghiến trong khoảng 2 tuần. Nếu như đọc chương đầu mình xếp hạng cuốn sách này là sách gối đầu giường vì nó khá dễ ngủ, mình cứ mở cuốn sách là ngủ bất cứ lúc nào trong ngày thì những chương sau mình đọc trên tàu điện ngầm, mình đọc bất cứ khi nào rảnh và mình ghi chép, bởi vì mình là người đang đi tìm câu trả lời cho câu hỏi, tại sao tôi lại cảm thấy mệt mỏi trong chính công việc mà tôi lựa chọn, là ước mơ của tôi, và tại sao chất lượng công việc cũng như năng lượng của tôi lại đang đi xuống? Và đây là nội dung của cuốn sách cùng những suy nghĩ của mình. Khá dài một chút nhé!
Mình không phải là một người xem YouTube của Ali Abdaal, mình cũng không theo dõi Ali Abdaal trên mạng xã hội, vì thực sự mình cảm thấy Ali Abdaal đang làm truyền thông, mà là một người làm trong lĩnh vực này, nếu như không phải làm việc mình sẽ khá không thoải mái khi xem những nội dung như vậy trong lúc đang tìm gì hay ho để giải trí. Cuốn sách này đã nằm trong giỏ hàng của mình khá lâu vì so với những quyển sách khác thì giá khá mắc, mình nhớ mình đã bỏ 17 bảng để mua nó, trong khi những cuốn sách bình thường mình hay lựa chọn mua sách cũ trên Amazon với giá 4-5 đồng. Và giây phút mình ấn nút check out là khi chat với một bạn mình quen trên Instagram và bạn ý có kể với mình về cuốn sách, vì mình là một người đi tìm, dạo này mình đọc rất nhiều sách về cách làm việc hiệu quả, mình luôn trăn trở câu hỏi “Vấn đề của mình ở đâu khi công việc không như ý muốn?”. Và thật may là mình đã giải đáp được khá nhiều câu hỏi về bản thân trong cuốn sách này dù mình vẫn chưa follow Ali 🙂
Vì cuốn sách này chưa có bản tiếng Việt nên mình sẽ spoil khá nhiều nội dung, hy vọng bạn sẽ lấy được gì trong đó để áp dụng và thực hành.
Về nội dung cuốn sách sẽ có 3 phần:
Phần một là Năng lượng (Energise)
Bạn sẽ biết ngay chìa khoá của sự năng suất tích cực đó là cảm xúc vui vẻ và tự hào về chính bản thân mình mỗi khi làm việc mà tác giả gọi là feeling good. Và bạn cũng sẽ biết năng lượng tích cực đó có thể lấy từ đâu, giải thích lý do bạn bị burnout- đó là những trạng thái kiệt sức.
Phần hai là Unblock (Mở khoá)
hoặc có thể nói là vén màn bí mật cách thức để tạo ra cảm xúc tích cực. Ali đưa ra những cách mà bạn có thể thực hành để tìm những nguồn năng lượng tích cực, và nguồn năng lượng đó xuất phát từ chính bản thân của bạn.
Phần ba là Sustain (Duy trì)
Cảm xúc tích cực cần phải được duy trì và nuôi dưỡng ngày qua ngày để bạn có thể làm việc trong niềm vui cả đời và nội dung chương này sẽ hướng dẫn cách bạn duy trì và nuôi dưỡng nguồn năng lượng tích cực trong công việc.
Cuốn sách phân bổ nội dung khá hợp lý theo từng diễn biến tâm lý của người đọc, mình có thể gọi đây như một cuốn cẩm nang, từ những trang đầu tiên tác giả đã cho bạn thấy bí mật của hạnh phúc để bạn phải hứng thú mà đọc tiếp những trang tiếp theo và tiếp theo đó là những cách thức dễ dàng áp dụng cũng như tác giả đưa ra những luận điểm để thuyết phục bạn về sự có lý của những cách tiếp cận đó. Điểm mình thích ở cuốn sách là mình thấy những dẫn chứng khá dễ hiểu và cụ thể, cách tác giả viết cũng rất gần gũi để mọi người có thể tiếp cận được cùng những câu chuyện của Ali, vì là người đã trải qua những cảm giác như burn out, hay cảm xúc không tốt, bản thân lại là một bác sĩ có mẹ là nhà tâm lý học nên Ali mang những kiến thức khoa học, có logic vào từng luận điểm của mình như cách chúng ta làm một bài nghiên cứu khoa học, tuy nghiên cứu nhưng lại không khô khan. Tuy nhiên như đã nói ở trên, cuốn sách đã bị mình xếp vào sách dễ ngủ một thời gian vì nhiều khi mình cảm tưởng mình đang làm luận văn và cần đọc rất nhiều tài liệu để có thể hiểu ra được vấn đề của mình, đi tìm phương pháp giải quyết. Và có lẽ Ali là một người làm nghiên cứu, để viết nên cuốn sách này thì cũng đã thử nghiệm và đọc rất nhiều tài liệu, đối mặt với một vấn đề Ali cũng sẽ gợi ý cho bạn khá nhiều cách giải quyết khác nhau, nhiều đoạn mình cũng không nhớ hết, nhiều kiến thức mình cũng không hấp thụ được hết nên nếu như bạn đã từng đọc cuốn sách này mà đọc phần review của mình không thấy mình đề cập thì có nghĩa phần đó mình chưa ấn tượng hoặc mình chưa ngấm lắm.
Chương 1: Năng lượng
“Cảm xúc tích cực” là chìa khoá của mọi vấn đề trong công việc của bạn. Tính sáng tạo, tìm cơ hội, tạo ra năng suất làm việc bất kể thời gian mà không biết mệt. Mình thích câu “Thành công không dẫn đến hạnh phúc nhưng sự hạnh phúc sẽ đưa bạn đến thành công” của tác giả, đúng là chúng ta đang mải miết tìm kiếm sự thành công, đôi khi bỏ qua cảm giác của bản thân, bất chấp sức khoẻ của mình và đến cuối cùng, khi đã đạt được điều mình mong muốn thì bản thân lại nghĩ, ồ hoá ra nó chỉ có vậy mà sao mình hy sinh vì nó quá nhiều. Và chúng ta quên mất một điều là, đến cuối cùng điều chúng ta mong mỏi nhất chính là hạnh phúc.
Và tác giả đặt ra 3 yếu tố quan trọng để bạn có thể làm việc vui vẻ: CHƠI, SỨC MẠNH NỘI TẠI và CON NGƯỜI.
Sự tích cực đến từ cảm giác được là người lớn “vui chơi” với công việc của chính mình, động lực làm việc từ chính nội tại bản thân mỗi chúng ta, và từ những người đồng nghiệp và vòng tròn kết nối tích cực, mang lại năng suất, cổ vũ tinh thần và ý nghĩa cho bạn. Nếu bạn chưa tìm được những điều đó thì hãy đi tìm và nhìn sâu vào bản thân, đoạn này mình chỉ spoil vậy thôi nha.
Bí kíp để chơi giỏi là hãy đặt mình vào nhiều vai trò khác nhau, có thể trong công việc bạn là người sáng tạo, bạn là người khám phá, bạn là người kể chuyện, … mà tác giả liệt kê 5 nhân cách (Persona) khác nhau đó là: Người sưu tập (the Collector), Người cạnh tranh (the Competitor), Người khám phá (the Explorer), Người sáng tạo (the Creator), Người kể chuyện (Storyteller), Người mua vui (Joker), Người chỉ đạo (the Director) và Vận động viên (the Kinesthete).
Và bạn có thể thử đóng vai những nhân cách đó vào công việc để khám phá bản thân, công việc và tìm thấy niềm vui từ chính nó.
Chương 1 cũng cho bạn nhiều quan điểm khác nhau để giúp bạn tìm ra sự tích cực từ những công việc bạn cảm thấy nhàm chán nhất, ví dụ như tìm niềm vui không phải là có được công việc trong mơ, mà niềm vui là từ những gì bạn khám phá, là sự làm chủ trong tình huống và tư duy của chính bản thân, là động lực trong chính sức mạnh nội tại của bạn, bạn làm vì bạn thực sự muốn làm chứ không phải là từ ai khác, niềm vui là quá trình, là những thành tựu nhỏ nhỏ bạn đạt được mỗi ngày mang lại cho bạn sự vui, ví dụ như hôm nay mình đã viết xong phần một bản báo cáo này chẳng hạn, hoặc hôm nay mình đi cafe với đồng nghiệp và chúng mình nói chuyện được khá nhiều (đoạn này là mình lấy ví dụ cho bạn dễ hiểu).
Mình khá thích phần sau của chương một vì nó nhắc đến một khía cạnh mà mình nghĩ ai mà theo đuổi sự hoàn hảo trong công việc cũng cần phải chú ý. Đó là bạn trong công việc nhiều khi bạn nghiêm túc quá lại dễ phản tác dụng. Công việc sẽ khá khó trôi, cứng nhắc nếu như ngày ngày bạn và đồng nghiệp chỉ nói đến nó, hãy nhớ phần đầu tiên của niềm vui đó là coi đó như một trò chơi, bởi vậy không ai thích chơi game với người quá nghiêm túc cả.
Một điều ở Phần 1 mình thấy cũng nên chú ý là sự tự tin. Chắc hẳn trong chúng ta ai cũng có rất nhiều tự ti, có nhiều người sự tự ti lớn và lấn át mọi thứ, nhưng thực sự thì không ai hoàn hảo 100% và chỉ cần bạn tự tin là bạn đã thành công 90% rồi.
Đi tìm sự tự tin
Sự tự tin là thứ có thể học được, đó không phải bản năng
Sự tự tin có thể được bồi dưỡng bằng sự chủ động và giỏi về chuyên môn của bạn. Nếu bạn đang thiếu bạn có thể tiếp thêm động lực bằng việc xem video, podcast, lắng nghe câu chuyện của những người khác, rèn luyện để giỏi hơn về kỹ năng chuyên môn, tự đi tìm cơ hội cho mình, thời gian cùng sự nỗ lực sẽ làm cho bạn cảm thấy tự tin hơn.
Đọc đến đoạn này thì mình nhớ đến bài học về sự tự tin mà cô chủ nhà dạy cho mình. Đó là khi mình chuẩn bị chuyển đi, mình có bảo cô chủ nhà cần sửa sang lại một chút nếu không khó tìm người thuê vì nhà của cô thì khá cũ, hơi dột và hỏng hóc khá nhiều đồ đạc. Cô có bảo mình, nếu người ta thích và thấy hợp lý thì người ta sẽ thuê, còn không thì người ta có thể đi kiếm nhà khác, không sao con ạ, nhà cô chỉ có vậy thôi. Và mình đã chợt nhận vì sao cô lúc nào cũng vui vẻ dù cuộc sống của cô cũng rất thử thách, cô hát mỗi khi làm việc, cô luôn cười, nhìn cô mình lại thấy vui lây. Đó là cô không cố gắng thay đổi để làm hài lòng người khác, cô luôn là chính cô và nếu như có ai yêu quý cô cô sẽ mở rộng cánh cửa vào chào đón họ nhiệt tình nhất. Mặc dù mình không thích ngôi nhà vì nó hay dột, hồi mình mới chuyển đến có rất nhiều bọ ghé thăm vì sự vệ sinh nhưng mình vẫn lựa chọn ở đây, lúc đầu vì mình mới chuyển đến London với số tiền ít ỏi không đủ để mình thuê một ngôi nhà lớn hơn, nhưng sau mình bắt đầu để dành được tiền tiết kiệm thì mình vẫn lựa chọn ở đây, dọn dẹp ngôi nhà trở nên đẹp sạch sẽ hơn, trang trí lại căn phòng thay vì đi tìm một ngôi nhà mới. Cô chủ nhà đã dạy mình bài học về sự tự tin và yêu lấy những gì thuộc về bản thân mình cũng như cách để mình cảm thấy tốt về bản thân với suy nghĩ, đây là chính con người tôi, tôi là phiên bản tốt nhất của chính mình và tôi tử tế vì chính bản thân tôi chứ không phải để làm ai đó hài lòng và nếu bạn yêu quý tôi, đến với tôi vì chính bản thân tôi thì tôi cũng yêu quý bạn. Và câu mantra “Tôi chỉ có vậy thôi”, nghe có vẻ ngang bướng cứng đầu nhưng là thứ mình nghĩ rất có ích cho bạn sự tự tin khi bạn cảm thấy mình vẫn còn thấy mình “thiếu”.
Mình khá thích ở cuốn sách này là những dòng quote tác giả highlight ở mỗi phần, để mỗi khi mở ra thì mình nhìn thấy mà không phải đọc hết lại nội dung, và phần note mình thích cho đoạn này là “Bạn không thể kiểm soát được những chuyện sắp xảy đến nhưng bạn có thể kiểm soát được cách bạn đối diện với nó”
Tái định nghĩa thành công và thất bại
Có người có thể coi thất bạn là sự kết thúc, nhưng bạn cũng có thể thay đổi tâm trạng mỗi khi gặp thất bạn đó là coi nó như học phí cho một bài học cuộc sống. Thất bại là cuộc thử nghiệm, sai thì sửa, hỏng và làm lại và lần sau sẽ không mắc phải những sai lầm đó nữa và đi qua hết thất bạn, bạn sẽ tiến gần hơn sự thành công.
Ali lấy hình ảnh một thực tập sinh làm mình thấy khá thú vị, đó là mỗi khi thử một điều mới bạn hãy cho bản thân 3 tháng để khám phá như một kỳ thực tập, hết 3 tháng bạn sẽ biết công việc đó có phù hợp với bạn không, bạn có thích không, nếu không thích thì bạn hoàn toàn có thể rời đi. Không thất bại nào chỉ là thất bại, nó là chìa khoá để thử điều gì đó mới hơn và bí kíp để bạn đứng dậy sau mỗi thất bại và quyết tâm dấn thân là. How bad do you want it? – Bạn muốn nó đến phát điên như thế nào
Khi bạn muốn thành công đến mức bạn cần nó như hơi thở, thì chắc chắn bạn sẽ thành công
Lúc này chắc bạn cũng giống như mình, phản tư lại giây phút thành công mà bạn tự hào nhất cùng với sự tuyệt vọng của bạn trước đó, như lúc bạn nhận được offer cho công việc, hay lúc bạn xin được học bổng du học, bạn đã từng cố gắng đến tuyệt vọng như thế nào?
Tổng kết lại chương một:
Vui chơi trong công việc của bạn, cảm giác như mỗi khi hoàn thành một thử thách là một lần phá đảo, khám phá động lực làm việc từ chính bản thân bên trong, điều bạn mong mỏi nhất về công việc. Và để làm tốt được bạn phải có đồng đội. Sự kết nối là cực kỳ cực kỳ quan trọng để thành công và tạo niềm vui trong công việc. Chúng ta không thể thành công một mình trong cuộc sống này và nếu như bạn có những đồng nghiệp tốt, một team tuyệt vời thì công việc của bạn sẽ vui hơi, mỗi ngày đi làm là một ngày vui. Câu mantra “Niềm vui được nói ra niềm vui nhân đôi, nỗi buồn được nói ra nỗi buồn chia một chửa”. Và sự thật là, với kinh nghiệm 10 năm đi làm thì mình phát hiện ra là bạn sẽ không bao giờ có một team hoàn hảo, bạn cũng sẽ không bao giờ có những đồng nghiệp luôn cổ vũ bạn trong công việc và bạn không thể điều khiển được điều đó, nhưng cũng như tác giả có đề cập, dù bạn không thể điều khiển được, nhưng bạn có thể trở thành một thành viên lý tưởng của đội nhóm, một team player, một người đồng đội cùng chiến tuyến thay vì là đối thủ. Và để tạo thêm nhiều năng suất tích cực thì tác giả cũng đề cập đến việc làm những điều tốt, sẵn sàng cho đi, giúp đỡ người khác và hỏi nếu như bạn không biết, kêu gọi sự giúp đỡ nếu như bạn khó khăn. Trong môi trường công sở, hãy nói chứ đừng im lặng, hãy cùng nhau tìm giải pháp thay vì đặt cao chủ nghĩa cá nhân, và đó là chân sạc cho năng lượng tích cực.
Chương 2: Mở khóa
Chương 2 của cuốn sách có tên là Unblock. Mở khoá, nghĩa là bạn sẽ được hướng dẫn những cách để đạt được năng suất tích cực từ nhiều cách tiếp cận khác nhau.
Tác giả cho rằng bạn cần làm rõ để có thể đưa ra phương pháp mở khoá tối ưu, gốc rễ vấn đề ở đâu, vì sao bạn cảm thấy thấy tiêu cực và điều gì mang lại cảm xúc tích cực cho bạn. Và như chương trước có đề cập, động lực chỉ có thế đến khi nó xuất phát từ chính mong muốn của bản thân bạn, và bạn chỉ hành động khi bạn cần nó như cần oxy để sống. Nhưng cái khó là làm thế nào để biết được bản thân thực sự muốn gì khi thời đại ngày nay chúng ta có quá nhiều lựa chọn, quá nhiều thông tin và quá nhiều thứ hấp dẫn muốn làm. Chúng ta biết là chúng ta đang trì hoãn, chúng ta bảo bản thân phải thử, hoặc chúng ta ép bản thân vào một vòng kỷ luật và tự nhắc nhở, đừng nghĩ gì cả, cứ bắt đầu và làm trước đi đã. Nó hữu dụng với nhiều người, đặc biệt là những người kỷ luật, tuy nhiên với mình hoặc với nhiều người thì điều này lại dễ mang đến cảm xúc tiêu cực, tôi “phải làm” điều A điều B mỗi ngày, không được lười và đó là cách dẫn đến cảm giác tiêu cực, chán nản rất nhanh mà cuốn sách về sự tích cực không cho đó là phương pháp hay.
Ali giới thiệu 4 cách của phương pháp unblock để bạn có thể tìm ra mong muốn thật sự của mình và lấy hình ảnh về việc bạn lựa đi đến một bữa tiệc với viên sỏi trong giày với ba tình huống xảy ra cùng với việc giả định những cách bạn xử lý tình huống, những ưu điểm và mặt hạn chế của nó. Nó khá dễ hiều măc dù mình thấy hoi phi logic một chút.
Cách thứ nhất, không làm gì và chịu cảm giác khó chịu khi bạn không làm, mọi thứ trở nên rối tung và bạn không đạt được điều mà bạn mong muốn. Nếu bạn thấy việc không đi ăn tiệc chỉ khiến bạn hơi tiếc nhưng mọi thứ vẫn ổn bạn thấy mình vẫn ổn thì có nghĩa bữa tiệc đó không quan trọng với bạn lắm cũng như việc bạn không làm chưa phải điều bạn thực sự mong muốn làm. Vậy thì bạn có thể bỏ qua nó.
Cách thứ 2 là cứ làm, bỏ đi những lo lắng và thuyết phục bản thân là nó rất vui, nó xứng đáng như khi bạn không muốn đi đến một bữa tiệc nhưng bạn thuyết phục bản thân nó vui đó, dù bạn lưỡng lự nhưng bạn vẫn xỏ giày đi đến bữa tiệc đó.
Cách thứ 3 là kỷ luật, bạn đã hứa với bạn của bạn rồi, dù bạn không muốn di nhưng bạn không muốn thất hứa và ban phải di đến bữa tiệc đó. Và trên đường di, viên sỏi làm bạn khó chiu, bạn vẫn đi tiếp vì ban phải giữ lời hứa như việc bạn cam kết với bản thân phải hoàn thành một việc gì đó. Và cuối cùng, tác giả cũng nhận định là ba phuơng pháp trên rất tốt tuy nhiên thì nó cũng luôn có những điểm hạn chế vì như viên sỏi chính là những tác động cản trở bên ngoài, chứ liệu bạn có thật sự muốn đi đến bữa tiệc hay không và những thử thách có thật sự to hay không là do cách bạn nghĩ.
Và tác giả đưa ra cách thứ 4 cũng nhận định đó là giải pháp tốt nhất, đó là đặt câu hỏi cho bản thân, Tại sao. Tại sao bạn muốn đi đến bữa tiệc? Tại sao bạn phải bước đi và chịu đựng viên sỏi trong giày của mình? Trải lời câu hỏi Tại sao giúp bạn tìm động lực thực sự? và Như thế nào – bạn phải làm gì để hiện thực hóa nó? Vậy thì tôi làm gì? Tôi sẽ đi đến bữa tiệc bằng cách nào? Đi xe, đi bộ hay chạy? Nếu viên sỏi làm tôi đau và khó chịu, nó cản trở từng bước chân của tôi thì tôi phải làm gì? Dừng lại một chút, bỏ viên soi ra khỏi đôi giày và bạn không những đi mà còn có the chạy được cơ mà.
Tại sao chúng ta phải nghĩ moi thứ phức tạp lên như vậy? điều này làm mình nhớ đến những hạn sạn trong giày và những lần tôi mặc kệ nó vì bản thân đang tập trung làm một việc gì đó, những viên sạn chỉ làm bước đi hơi lấn cấn nhưng không ảnh hưởng gì đến bản thân cũng như tốc độ di chuyển của tôi, sau khi giải quyết xong công việc tôi mới tháo giày rũ bỏ lớp sạn thay vì dừng lại một phút để giũ sạch nó đi. Trong ngắn hạn, nó không phải là vấn đề lớn nhưng lâu dần sẽ cực kỳ tai hại, nó hình thành một cái tâm lý bỏ qua tiểu tiết, những chi tiết nhỏ nhặt nhất đôi khi lại dẫn đến những sai lầm trong công việc, hay như đơn giản, nếu như một ngày bạn có 1 email quảng cáo rác trong thư mục nhưng bạn không xóa cũng không unsubcribe email đó, sau 1 năm bạn đã có thêm 365 email rác và mình đã từng mất vài ngày để dọn hơn 10K email rác đó khi không còn đủ dung lượng để gửi hay nhận bất kỳ email nào nữa.
Bản chất của vấn đề luôn vô cùng đơn giản nhưng chúng ta luôn nhìn thấy rất nhiều màn sương mù che mất tầm nhìn, và những vấn đề nếu hôm nay bạn nhận ra bạn có thể giải quyết trong vòng một nốt nhạc thì sự trì hoãn sẽ khiến cho nó trở nên lớn hơn, và khi nó ngoài mức kiểm soát rồi thì chúng ta cứ lòng vòng, mất nhiều thời gian, bị thương và đi trong hoang mang, suy nghĩ quá nhiều và mất năng lượng ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất làm việc. Bởi vậy, ở chương 2 này, bài học chúng ta nhận được là:
Đặt câu hỏi tai sao bạn lại muốn thực hiện một việc gì đó, tìm động lực từ chính bản thân bạn và sau đó là dùng sức mạnh của sự kỷ luật, mỗi ngày một chút tiến từng bước nhỏ để đi dần về đích.
Ali đưa ra phương pháp NICE Goals sau khi giải thích điểm yếu của phương pháp SMART goals vốn đã rất nổi tiếng từ lâu. Nếu như phương pháp SMART khiến bạn nghĩ đến bức tranh rộng lớn, cái kết bạn làm được trong ngắn hoặc dài hạn thì phương pháp NICE Goals mình thấy sẽ giúp bạn duy trì từng bước nhỏ xíu để đến được mục tiêu. Ví dụ như 6 tháng nữa bạn muốn giảm 5kg, bạn cần phải tập thể dục, ăn uống lành mạnh hơn và hạn chế ăn ngoài để đạt được mức cân nặng kỳ vọng như SMART, thì NICE Goal sẽ chia nhỏ ra những mục tiêu ngắn hạn trong phạm vi nhỏ nhất, đó là từng ngày hoặc theo tuần, đó là thiết kế một ngày của bạn hướng đến mục tiêu lớn.
Phương pháp NINE Goals
- Near-term (thời gian ngắn)
- Input-based (bạn cần làm gì)
- Controllable (Bạn có thể kiểm soát được)
- Energising (bạn lấy năng lượng từ đâu, với ai để vui)
Ví dụ, để giảm 6kg với NINE goals, 30 phút sau khi thức dậy bạn sẽ học ngoại ngữ, sau đó bạn sẽ tập thể dụng 1h, bữa sáng bạn sẽ ăn một bữa sáng lành mạnh, bạn sẽ tập trung thời gian còn lại trong ngày hoàn thành công việc trước 7h tối và tối bạn sẽ đi ngủ sớm trước 11h. Khi tick đủ những mục trong ngày thì bạn đã hoàn thành một mục tiêu nhỏ của bạn, cuối ngày bạn có thể tự thưởng bản thân bằng một thứ gì đó nho nhỏ làm mình vui và ngày hôm sau bạn lại lên một to-do-list như vậy, đều đặn và duy trì mỗi ngày và từ niềm vui khi được làm những việc đó, thói quen sẽ tự sinh ra và bạn sẽ tự đi vào quỹ đạo mà người ta gọi là kỷ luật.
Phương pháp NICE goals nhấn mạnh đến việc bạn lên kế hoạch cho mục tiêu ngắn hạn của bạn chính xác đến từng ngày trong tuần hoặc thời điểm trong ngày, bởi vì nếu như chỉ viết, tôi cần tập thể dục mỗi ngày, có thể bạn sẽ trì hoãn việc tập thể dục đến tối và khi cả ngày bạn quá mệt và căng thẳng, khả năng cao bạn sẽ bỏ qua việc tập thể dục. Và khi bạn đã có thời gian biểu cụ thể, bạn hãy làm mà đừng nghĩ suy :D. Cuối cùng, để phục vụ cho phương pháp NICE Goals tác giả có đưa ra Time blocking, mà mình thấy khá hiệu quả sau quá trình thử nghiệm, hữu ích cho những ai có nhiều việc trong ngày và những việc đó thì thường khác nhau.
Phương pháp Time Blocking
Ví dụ về Time Blocking (Nguồn ảnh: Slide Bazaar)
Nó đơn giản là cụ thể hóa việc bạn cần phải làm bằng việc lên kế hoạch chi tiết cụ thể từ NICE Goals và đặt deadline cho bản thân. Ví dụ mình có 2h trong ngày để viết bài này cho đến khi xong, mình có 1h mỗi ngày để tập thể dục, 30 phút để tập nói một ngoại ngữ nào đấy. Phương pháp này đã hoàn toàn thay đổi cuộc sống của mình và mình cũng công nhận nó đẩy mình làm việc nhanh hơn. Nếu như trước đây mình nghĩ uh mình sẽ viết bài này cho đến xong, và có lẽ mình sẽ ngâm bài viết này đến cả tháng thì giờ mình nghĩ mình chỉ có 2h để làm bài viết này, mình sẽ nghĩ cấu trúc để có thể hoàn thành trong 2h hoặc sử dụng những công cụ khác nhau để có thể làm nhanh hơn. Hết 2h dù chưa làm xong mình cũng dừng lại chuyển sang đầu việc tiếp theo, và kết quả cuối ngày mình sưu tập được khá nhiều thành tựu về việc làm xong nhiều việc hơn và lại có 30 phút trước khi đi ngủ xem phim Hàn, thay vì trước đây lúc nào mình cũng cảm giác mình chưa làm xong việc, vùi đầu làm một việc gì đó cho đến khi xong và kết quả là hết năm mình cũng còn rất nhiều kế hoạch chưa được thực hiện.
Vượt qua nỗi sợ
Phần tiếp theo của chương 2 tác giả nói về nỗi sợ, trong mỗi chúng ta khi đối mặt với cơ hội hoặc thách thức thì tự khắc sẽ nghĩ nhiều đến nỗi sợ, mình có làm được không, mình chưa giỏi lắm hoặc sợ không biết sắp tới sẽ như thế nào. Tuy nhiên thì nỗi sợ tác giả cũng nhận định, thường là do bản thân tự thổi phồng mà thôi. Bạn có thể áp dụng quy tắt 10/10/10 để trấn áp nỗi sợ thất bại hoặc tương tự, nắm bắt cơ hội.
Phương pháp 10/10/10
Nếu như mỗi khi có cơ hội đến bất ngờ hoặc một sự việc bạn không mong muốn chẳng hạn, thử đặt câu hỏi, liệu mình không nắm bắt cơ hội thì 10 phút tới có ảnh hưởng gì không? 10 tuần tới có ảnh hưởng gì không? 10 năm nữa có ảnh hưởng gì không? Nếu không, bỏ qua thất bại và bước tiếp. Còn nếu có, thì bạn phải nhanh chân chớp lấy cơ hội này thôi.
Vì vậy, để vượt qua nỗi sợ, cách thứ nhất, bạn hãy nó câu mantra: Không ai quan tâm bạn như chính bản thân bạn đâu, họ bận quan tâm đến cuộc sống của họ nhiều hơn. Video của bạn có tệ, nội dung đầu tiên bạn làm có không hay thì cũng không ai quan tâm đâu, nên dũng cảm, nếu bạn thích thì cứ post đi, ai thích người đó sẽ like.
Cách thứ hai, áp dụng hiệu ứng Người dơi, tóm tắt là bạn giả vờ bản thân là con người bạn mong muốn, như hình ảnh thí nghiệm lũ trẻ con tưởng tượng chúng là siêu anh hùng giải cứu trái đất và điều đó đã làm sự tự tin nâng cao lên đáng kể. Điều này có liên tưởng đến câu “fake it ’til you make it”, mỗi khi làm điều gì đó khiến bạn sợ, hãy nói những điều này. Tôi tự tin mà, tôi không sợ và tôi sẽ làm được.
Chương 2 cũng đưa ra các cách để bạn có thể suy nghĩ tích cực hơn, như là giảm bớt kỳ vọng xuống, tha thứ cho những sai lầm của bản thân, tập trung vào hành trình và thường xuyên xem xét tiến bộ của bạn. Mỗi khi bạn căng thẳng lo lắng, hoặc khi bạn làm việc trong môi trường áp lực, hãy thử những liệu pháp tâm lý và dành một khoảng thời gian blocking trong ngày để không làm gì, hoặc làm một việc “vô tri” nhưng bản thân thấy vui vẻ, hoặc đi bộ, hoặc tập luyện, bất cứ điều gì mà bạn thoải mái. Bởi vì, cuối cùng, điều chúng ta hướng đến chính là sự hạnh phúc.
Bên trên là những hành động bạn có thể làm một mình để bồi đắp sự tự tin và đi tìm niềm vui, sự thoải mái. Và còn một cách nữa để bạn trở nên năng suất hơn, tích cực hơn là có bạn đồng hành trên mỗi chặng đường. Mình biết là có nhiều người khá là đơn độc trong lĩnh vực của họ, tuy nhiên thì Ali có gợi ý một vài cách để tìm bạn đồng hành, như từ hội nhóm trên mạng xã hội, những forum như Reddit, hoặc tham gia một câu lạc bộ nào đó mà mình thấy ở Việt Nam khá phổ biến là chạy bộ. Còn mình, sau một quãng thời gian một mình thì mình cũng thay đổi cái nhìn về việc tìm đồng đội mỗi khi làm một việc gì đó, ví dụ như dự án viết blog này, mình đã năn nỉ thậm chí là ăn vạ để cô bạn thân của mình viết cùng với mình, và mỗi khi viết được điều gì đó mình lại ghi lại trên Threads, điều đó cũng tăng một chút Endorphins trong mình.
Chương 3: Duy trì
Ở chương 3 của cuốn sách, tác giả có tái định nghĩa khái niệm Burnout – kiệt sức. Cảm giác kiệt sức là cảm giác mà bạn muốn vứt hết tất cả đi, mất ý nghĩa trong công việc và nó xảy ra “không chỉ với những công việc căng thẳng. Nó xảy ra khi bạn không còn cảm thấy một chút ý nghĩa gì với công việc bạn đang làm, bạn mất kiểm soát và mất niềm vui, cho dù đó là công việc bạn yêu thích đi chăng nữa. Bạn cảm thấy bạn không thể chạy theo tiến độ công việc cho dù bạn có cố gắng cỡ nào. Và tác giả cũng trích định nghĩa của WHO,”trạng thái kiệt sức trong công việc là khi bạn cạn kiệt năng lượng, tâm trí của bạn không còn ở công việc và bạn luôn cảm thấy tiêu cực, luôn hoài nghi về công việc và giảm mức độ chuyên nghiệp của bạn”. Sở dĩ mình dịch chi tiết đoạn này vì trạng thái kiệt sức đang dần trở nên phổ biến, và hy vọng nếu bạn đọc được những dòng này, bạn sẽ biết được, mình có đang burnout không.
Tác giả chia burnout ra làm ba trạng thái khác nhau, đó là kiệt sức vì cố gắng nỗ lực quá sức – bạn cảm thấy quá tải và làm việc với cường độ cao trong thời gian dài (overexertion burnout), thứ hai là kiệt sức khi bạn không cho phép mình được nghỉ ngơi đủ (depletion burnout), và cuối cùng, kiệt sức vì làm những việc không phải những điều bạn mong muốn, dùng năng lượng làm việc không đúng chỗ (depletion burnouts). Đọc đến đây bạn có thấy mình thuộc trường hợp nào không? hay là cả ba? Và đây là cách chữa bệnh, bị sao thì hãy dùng đúng thuốc để chữa.
- Nếu như làm việc quá sức thì hãy làm ít lại. Chậm lại để nhìn thế giới rộng hơn, hiểu ra được vấn đề của bạn. “Mọi người nghĩ sự tập trung là nói có với những việc bạn nên tập trung, nhưng sự thật không phải tất cả, nó còn là nói không với hàng nghìn ý tưởng cũng tốt khác” (People think focus means sything yé to the things you’ve got to focus on, but that not what it means at all. It means saying no to the hundred other good ideas that there are…”. (Steve Jobs) – và người sáng tạo của Apple đã nói, thực ra điều ông tự hào không chỉ là những việc ông đã làm được mà còn là những điều ông đã không làm.
- Nếu như mỗi ngày chúng ta chỉ có 24 tiếng, vậy thì hãy làm một danh sách những việc bạn hứng thú và xứng đáng để tiêu hao năng lượng lại mà gọi là “investing energy” – – dành năng lượng như một vốn đầu tư sinh lời, bạn sẽ đầu tư vào cái gì? Bạn hãy thử lập danh sách những điều xuất phát từ ước mơ, hy vọng và tham vọng của bạn để biến thành danh mục đầu tư của chính mình nhé, ngắn gọn và xúc tích tầm 3-4 đầu mục vì mỗi ngày bạn chỉ có 24h thôi. Ví dụ như việc tập thể dục và ăn uống lành mạnh, ví dụ như việc học một điều gì mới mà bạn muốn học, hay lên kế hoạch cho một chuyến đi sắp tới. Ước mơ có thể nhiều nhưng hành động thực hiện hay không cần cân đo đong đếm chọn lựa vì bạn đang tìm phương thuốc chữa việc bị kiệt sức mà.
- Bảo toàn năng lượng bằng việc nói không Giải pháp cho việc này là lựa chọn việc bạn có gật đầu đồng ý làm việc gì đó hay không bằng mẹo, nếu như ai đó như đồng nghiệp nhờ bạn làm hộ việc gì đó- mà không phải việc sếp giao nhé, bạn hãy nghĩ đến cái bẫy “6 tuần”, người khác có thể bảo bạn có thể thư thả làm nhưng bạn lịch của bạn hiện giờ đang kín mít? Nếu bạn không thể gật đầu làm luôn việc đó trong ngày mai thì dù 6 tuần nữa kết quả là bạn vẫn bận như hôm nay thôi. Lúc đó hãy từ chối.
- Cho phép bản thân được người khác làm phiền một chút. Dành cho những ai khá nghiêm túc và tập trung trong công việc. Mặc dù bạn rất bận và đang cần sự tập trung nhưng dừng 10-20 phút khi ai đó muốn nói chuyện với bạn, nhờ bạn giúp đỡ và sau đó bạn có thể tập trung trở lại. Nó không chỉ giúp bạn cảm thấy được kết nối mà cơ thể còn tiết ra hormone endorphine giúp bạn hưng phấn giúp bạn vui vẻ hơn.
- Cho bản thân những quãng nghỉ ngẫu hứng hoặc có kế hoạch. Bạn có thể lên kế hoạch cho công việc của bạn, và cũng có thể lên thời gian biểu cho việc nghỉ ngơi. Tận hưởng những phút giây không làm gì cả và thậm chí tự cho mình những kế hoạch nghỉ bất ngờ vì đôi khi những điều đó lại mang lại sự hạnh phúc cho bạn.
Ali cũng đưa ra những cách thức giúp bạn sạc lại năng lượng, nhưng sau tất cả có bạn biết bạn cần sạc năng lượng như thế nào là hợp lý, nên mỗi khi có dấu hiệu bị burnout bạn cần phải có giải pháp để sạc lại năng lượng cho bản thân tức thời như việc tìm về thiên nhiên hoặc cứ để cho tâm trí nghĩ linh tinh hoặc sống vô trí một chút mà không thấy tội lỗi. Trong chương 3, mình thấy đáng chú ý nhất là Odyssey Plan và Bánh xe cuộc đời (The Circle of Life). Mình thậm chí đã dành hẳn một ngày chỉ để ngồi làm một file notion cho nó. Nếu như bạn đã đọc cuốn Thiết kế cuộc sống trong mơ (Designing your life của Bill Brunet) bạn sẽ quen với bản kế hoạch Odyssey này, ý nghĩa của nó là bạn có nhiều hơn một kế hoạch cuộc đời đáng sống.
Odyssey plan
Theo Odyssey plan, bạn nên viết ra 3 kịch bản khác nhau cho cuộc đời của bạn.
- Con đường hiện tại (Your Current Path): Hãy viết ra thật chi tiết hình ảnh cuộc sống của bạn 5 năm tiếp theo nếu như bạn tiếp tục đi con đường mà bạn đang đi
- Kế hoạch thay thế (Alternative Path): Hãy viết ra thật chi tiết hình ảnh cuộc sống của bạn từ giờ đến 5 năm tiếp theo nếu như bạn đi một con đường hoàn toàn khác với hiện tại
- Con đường khác biệt (Radical Path): Radical theo từ điển là một niềm tin nếu bạn thực hiện được nó bạn sẽ có thể thay đổi thế giới. Hãy viết ra thật chi tiết hình ảnh cuộc sống thứ 3 của bạn, không giống như hai con đường trên, khi những khái niệm như tiền bạc, quan hệ và cách người khác nghĩ về bạn có thể giúp bạn thay đổi thế giới. Khi viết ra rồi, bản kế hoạch nào làm bạn hưng phấn nhất? Bạn có thực hiện được nó không và bạn sẽ làm như thế nào? Việc có hơn một bản thiết kế cho cuộc đời của mình, bạn sẽ không rơi vào trạng thái tiêu cực, đường cùng mỗi khi gặp thất bại và bạn luôn chủ động trong mọi tình huống có thể xảy ra và có thể một ngày, bạn sẽ thực sự thay đổi thế giới.
Bánh xe cuộc đời
Theo tác giả, cuộc sống của chúng ta như một chiếc bánh xe với ba phần cân bằng
Sức khỏe: Sức khỏe cơ thể. Sức khỏe trí óc, Sức khỏe tâm hồn
Mối quan hệ: Bạn bè, Mối quan hệ lãng mạn, Gia đình
Công việc: Tiền bạc, Sứ mệnh của bạn và sự phát triển bản thân
Đây được coi là những thang đo mà bạn có thể dùng để đánh giá chất lượng cuộc sống của bạn, mặt nào đang ở thang điểm cao nhất bạn có thể duy trì để tập trung cho những mặt đang ở thang điểm thấp nhất. Điều quan trọng là luôn giữ nó trong một vòng tròn cân bằng để cuộc sống của bạn hạnh phúc hơn.
Bánh xe cuộc sống này sẽ liên quan đến 12 tháng ăn mừng, sau một năm bạn sẽ review lại những mục đó, xem bạn đã nỗ lực và cố gắng như thế nào, điều gì bạn đã làm được bạn có thể ăn mừng, tự thưởng cho bản thân và điều gì bạn cần phải nỗ lực, bạn sẽ cần phải viết ra và cải thiện trong 12 tháng tiếp theo.
Trước đây mình luôn mơ hồ cuộc sống của bản thân có ổn không, và cho đến khi có những mục như vậy thì mình đã có một bức tranh tổng thể và mọi thứ trở nên rõ ràng hơn như việc đánh giá Performance của bạn hàng năm theo những KPI của công ty. Tuy nhiên, trên tất cả, Ali và cuốn sách này đề cao đến việc sự tích cực là từ những việc nhỏ nhất trong khoảng thời gian ngắn nhất, nên để cải thiện 3 yếu tố, Công việc, Mối quan hệ và Sức khỏe, bạn cần thực hiện hàng ngày và lại càng cần có thời gian biểu cụ thể cho nó, và việc đánh giá cũng nên xếp vào cuối ngày, hôm nay tôi đã làm được những gì và tôi xứng đáng được thưởng cho ngày hôm nay như nào.
Ví dụ:
Sức khỏe: hôm nay tôi đã đi bộ được 5km, nhiều hơn hôm qua 1km và không ăn chiếc bánh ngọt đó
Mối quan hệ: Hôm nay tôi có gọi điện cho bố hỏi han ông
Công việc: Hôm nay tôi đã hoàn thành xong việc trước 5h chiều.
Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về những điều nhỏ nhất của mình, vì chúng ta của ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua một chút. Và cuối cùng, phần cuối của cuốn sách thêm một chút bí kíp cho sự hiệu năng. Năng suất tích cực chỉ có khi bạn tìm thấy niềm vui trong công việc mà sự kỷ luật đôi khi không phải là giải pháp tối ưu, niềm vui chỉ đến khi nó xuất phát từ chính bản thân bạn chứ không phải từ một ai khác, và cuối cùng, hãy đi tìm động lực nội tại đó, thử nghiệm và sai, và sửa và tìm xem phương pháp nào phù hợp với bạn.
Phù, vậy là mình đã hoàn thành xong việc review cuốn sách này nhờ time-blocking, mỗi ngày 2h viết một chút, mình đã mất khoảng 3 ngày để vừa viết và vừa đọc lại nó. Ngày hôm qua khi trên tàu đi Birmingham, mình đã có 3h trên tàu để viết được nốt chương 2 và chương 3, mình cũng đang trong hành trình đi tìm lại niềm vui trong công việc sau một quãng thời gian khá là mất định hướng. Mình đã cho bản thân một quãng nghỉ khá dài, viết, đọc và làm blog này. Mình đang khá vui với việc viết lách và cũng chưa biết khi nào mình sẽ trở công việc như xưa, nhưng mình tin bạn và chúng mình, một khi bắt tay vào việc và đi tìm chúng mình thực sự mong muốn điều gì thì chúng mình sẽ tìm được, cứ dần sắp xếp thì mọi việc sẽ ổn thôi. Và chúc bạn và mình, chúng mình sẽ tìm được niềm vui đích thực từ chính công việc của mình và tự hào vì mỗi ngày chúng ta được làm việc.
Bài viết được viết bởi Lan Nguyễn
Pingback: Feel Good Productivity (Ali Abdaal) – Bí quyết để có công việc hạnh phúc – The Brandlan
Rất vui vì bài review của mình đã giúp bạn ^^